Tập đoàn H&M tiếp tục cho thấy những bước tiến trong việc tìm nguồn cung ứng bền vững hơn cho tất cả chất liệu may mặc sử dụng tại tập đoàn.
Tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu Giao Dịch May Mặc (Textile Exchange) vừa công bố Báo cáo chuyên sâu về việc cải tiến chất liệu năm 2019, cung cấp đánh giá toàn diện về tình trạng nguồn cung ứng nguyên liệu bền vững trong lĩnh vực dệt may. Trong đó, tập đoàn H&M dẫn đầu bảng xếp hạng về việc sử dụng chất liệu cotton hữu cơ và lông vũ theo quy chuẩn của tổ chức Responsible Down. Đồng thời, tập đoàn tiếp tục là một trong những đơn vị lớn nhất thế giới sử dụng chất liệu cotton tái chế, len tái chế, nylon tái chế và lyocell.
Tập đoàn H&M được công nhận là công ty đứng đầu trong việc tìm nguồn cung ứng cotton, bao gồm chất liệu cotton hữu cơ, cotton tái chế và cotton có nguồn gốc từ tổ chức Better Cotton Initiative (BCI). Công ty đã từng bước tiến tới mục tiêu đến năm 2020, tất cả chất liệu sử dụng tại tập đoàn H&M sẽ đều là chất liệu hữu cơ, tái chế hoặc có nguồn gốc bền vững hơn thông qua BCI.
“Chúng tôi rất vui khi thấy nỗ lực cam kết của tập đoàn H&M trên tất cả mọi phương diện. Là công ty dẫn đầu về việc cải tiến chất liệu trong lĩnh vực của mình, tập đoàn H&M đồng thời cũng giữ vị trí nổi bật trong nhóm những tổ chức đi tiên phong, và đạt được vị trí hàng đầu cho các hạng mục như: Mục tiêu phát triển bền vững, Cotton, Sợi xenlulo nhân tạo và Lông vũ. Dựa trên nhìn nhận về biến đổi khí hậu và tài nguyên thiên nhiên, việc áp dụng các chất liệu tái chế được ưa chuộng và xây dựng các cộng đồng cung ứng thực sự bền vững là những điều cần thiết. Ngành công nghiệp may mặc cần các nhà lãnh đạo như tập đoàn H&M để tìm ra những giải pháp toàn diện, bao quát cho các vấn đề mang tính liên kết. Đó cũng chính là vai trò Chỉ số Cải Tiến Chất Liệu của Tổ chức giao dịch may mặc (Textile Exchange Material Change Index) được tạo ra để hỗ trợ đánh giá” – Liesl Truscott, Giám đốc Chiến lược châu Âu và Chất liệu, Tổ chức giao dịch may mặc cho biết.
“Được xếp hạng là một công ty hàng đầu trong việc tìm nguồn cung ứng chất liệu bền vững là một sự ghi nhận tuyệt vời cho tất cả những nỗ lực hết mình của chúng tôi mỗi ngày để đưa doanh nghiệp của mình đến gần hơn với sự bền vững. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi đã hoàn thành, vẫn còn đó nhiều việc cần phải làm để nâng cao việc sử dụng chất liệu tái chế và thúc đẩy cải tiến các chất liệu mới. Chúng tôi hoàn toàn cam kết sử dụng quy mô vốn có của công ty để đi tiên phong trong hành trình hướng đến một tương lai bền vững hơn cho thời trang.”- Cecilia Brännsten, Giám đốc phát triển bền vững & môi trường của tập đoàn H&M cho biết.
Tập đoàn H&M cũng là một trong những đơn vị sử dụng chất liệu tái chế lớn nhất thế giới, như nylon tái chế – từ lưới đánh cá cũ, thảm và chất thải còn sót lại từ quy trình sản xuất – và polyester tái chế. Năm ngoái, Tập đoàn H&M đã sử dụng số lượng chất liệu polyester tái chế tương đương với gần 537 triệu chai nhựa PET.
Đứng sau cotton và các chất liệu tổng hợp như polyester và nylon, chất liệu mà Tập đoàn H&M sử dụng nhiều nhất là sợi xenlulo nhân tạo như là luạ viscose. Việc tìm nguồn cung ứng cho những chất liệu này theo một cách bền vững hơn là một yếu tố quan trọng trong những mục tiêu của công ty. Tập đoàn H&M duy trì vị thế là một trong những đơn vị sử dụng chất liệu lyocell lớn nhất thế giới, đến từ các nguồn gỗ bền vững được sản xuất trong một quy trình khép kín và có trách nhiệm với môi trường.
Tập đoàn H&M tiếp tục hướng tới mục tiêu đến năm 2030, tất cả các chất liệu của tập đoàn sẽ được tái chế hoặc có nguồn gốc bền vững hơn. Thách thức trước mắt là tăng tỷ lệ sợi tái chế, chủ yếu là do hạn chế về công nghệ để làm cho quy trình tái chế dệt may có thể mở rộng hoàn toàn. Đó là lý do tại sao công ty đang tích cực đầu tư vào các công nghệ tái chế dệt may đầy hứa hẹn, chẳng hạn như Circulose, loại vải có hàm lượng cotton và viscose cao được tái chế thành chất liệu xenlulo mà ngành thời trang có thể sử dụng để tạo ra quần áo chất lượng mới.
Theo người Hà Nội