Hiếu kính với cha mẹ không chỉ là giúp đỡ cha mẹ mà còn phải cho cha mẹ cơ hội yêu thương chúng ta.
Lẽ thường xưa nay theo nghĩa hiếu thuận, người già, người cao tuổi phải được nghỉ ngơi con cháu phụng dưỡng thế nhưng thực tế khi cuộc sống càng hiện đại người già còn khỏe mạnh minh mẫn thì lao động phù hợp cũng là cách để họ thấy mình không thừa thãi. Bởi còn lao động là còn tồn tại và họ cảm thấy mình không vô dụng trong guồng quay của cuộc sống này.
Tập phim ngắn Chữ Hiếu kể về câu chuyện của thầy giáo Quốc đang sống với người mẹ già. Cô học trò tên Liên nghe tin thầy bệnh nên đem trái cây làm quà biếu thầy lấy thảo. Trong lúc hai thầy trò nói chuyện, Liên vô tình phát hiện dù mẹ thầy Quốc đã lớn tuổi nhưng thầy cứ để bà làm việc này việc kia, thậm chí là kêu Liên không được phụ hay nhúng tay giúp đỡ khiến cô không khỏi canh cánh. Cô không thể ngờ người thầy giáo kính trọng, yêu quý bấy lâu nay lại có thể đối đãi với mẹ của mình như vậy.
Ở một phân cảnh khác, mẹ của thầy giáo Quốc chậm rãi rửa đống bát dĩa dưới bếp. Thầy Quốc sau khi dìu bà vào phòng đi ngủ thì quay lại bếp và rửa lại bát đĩa một lần nữa. Một lần nọ Liên và Thảo được thầy giáo mời về nhà thầy ăn cơm. Vì khá thân với thầy nên 2 cô gái không ngại ngùng mà đồng ý.
Tuy nhiên, Liên chợt nhớ lại chuyện lần trước mang trái cây đến biếu thầy, Liên nghĩ dù gì mẹ của thầy cũng ở tuổi xế chiều, đáng lẽ ra thầy Quốc phải để mẹ thảnh thơi chứ không phải để bà đụng tay vào việc nhà coi bà như bảo mẫu hay người giúp việc. Đáng nói, thầy Quốc vốn “nức tiếng” ở trường là người con hiếu thảo nhưng lại đối xử với mẹ như thế.
Sau khi dùng cơm trưa vui vẻ, Liên và Thảo đứng dậy dọn dẹp, định mang số bát đĩa bẩn đi rửa thì thầy Quốc ngăn lại, bảo để cho mẹ thầy dọn dẹp. Hành động này lại khiến 2 cô gái bất ngờ, vì không giúp được mẹ thầy thì thôi, đằng này thầy lại bảo mẹ rửa đống bát đĩa đó hộ mình làm 2 cô gái thấy khó xử. Nếu người con thực sự quan tâm đến cha mẹ, họ sẽ tranh làm việc nhà và để cha mẹ nghỉ ngơi.
Thấy hai học trò nghi ngại về hành động của mình, thầy Quốc cuối cùng cũng lên tiếng giải thích. Được biết, gia cảnh của thầy Quốc khá éo le, bố thầy mất sớm, mẹ tần tảo nuôi thầy đến tuổi trưởng thành.
Khi có công ăn việc làm ổn định, người đàn ông thương mẹ cả đời vất vả nên tranh làm việc nhà và không để bà đụng tay vô bất cứ việc gì, hi vọng bà được thông thả nghỉ ngơi. Tuy nhiên, việc này lại khiến người mẹ già cảm thấy mình trở nên vô dụng không giúp được gì cho con trai. Mỗi ngày bà đều buồn bã, u sầu vì nghĩ mình trở thành gánh nặng cho con.
Khi nhìn mọi thứ bằng vẻ bề ngoài, có thể, người ta sẽ không hiểu đúng về sự việc đang chứng kiến. Kể từ hôm đó trở đi thầy Quốc đã để cho mẹ già làm những việc mà bà đã từng làm trước đây nhờ vậy mà tinh thần của người mẹ vui vẻ phấn chấn hơn vì bà nghĩ rằng bà còn có ích và con trai vẫn cần tới bà. Niềm lạc quan vui sống là liều thuốc tinh thần vô giá đối với người cao tuổi.
Bởi nhiều khi sự an nhàn cũng không tốt cho sức khỏe người già. Khiến cho một người có cảm giác người khác còn cần mình, họ sẽ cảm thấy mình được tôn trọng, có giá trị, nhờ vậy mà người đó mới có một mục tiêu, sẽ cảm thấy cuộc sống ý nghĩa và phong phú hơn. Bởi chữ hiếu, đôi khi, chỉ đơn giản là để một ai đó – được tự do sống trọn với những điều mà họ ước mong.
Theo người Hà Nội