Cơ duyên với sen của Dược sĩ 8X

Tuần này, Nông Dân Xin Chào sẽ đưa khán giả quay trở về với tỉnh Đồng Tháp với nông dân Ngô Khánh Huy. Sau đó khán giả sẽ đến với thành phố Hồ Chí Minh với nông dân Trần Anh Nguyên và cuối cùng là khách mời Vũ Bá Quan (Sóc Trăng) trong tập 24.

Thu hút sự quan tâm và theo dõi của người xem bởi sự tính cách thật thà, mộc mạc và chân phương của người nông dân, Nông Dân Xin Chào không chỉ là sân chơi giao lưu học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho những người nông dân mà thông qua đó chương trình còn mong muốn kết hợp quảng bá du lịch Việt Nam, giới thiệu những làng nghề truyền thống đến với khán giả truyền hình, ca ngợi tinh thần hăng say làm việc của con người Việt Nam.

Tại đây, người nông dân còn có cơ hội gặp gỡ cùng những nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực như ca hát, nhảy múa, diễn xuất, ảo thuật,… để cùng hát ca, giao lưu, thể hiện tài năng sau những giờ làm việc căng thẳng.

Mỗi tập phát sóng của Nông dân xin chào có cấu trúc gồm 3 phần. Phần 1 phác họa chân dung và thành tựu của nhân vật. Phần 2 là giao lưu về con đường đi đến thành công, những sáng tạo, sáng chế đột phá giúp phát triển ngành, lĩnh vực mà người nông dân đó đang tham gia sản xuất. Cuối cùng là phần giao lưu cùng các nghệ sĩ nổi tiếng.

Đầu tiên, khán giả được gặp gỡ và trò chuyện cùng nông dân Ngô Khánh Huy tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Là một dược sĩ, anh Khánh Huy đã bỏ công việc tại một công ty dược lớn với mức lương cao để về quê làm ra loại trà hảo hạng từ lá sen, hoa sen.

Cơ duyên đến với anh trong một dịp tình cờ đi hội chợ nông nghiệp rất lớn ở nước ngoài. Lần này, anh Huy thấy được các sản phẩm của Nhật Bản làm thủ công, trong đó có nhiều loại trà làm từ lá sen. Lúc này anh suy nghĩ, tại sao quê hương mình trồng nhiều sen như vậy nhưng lại không làm được những sản phẩm đặc biệt mang tính địa phương. Với ý tưởng đó, anh Huy đã ấp ủ làm trà từ lá sen, trà từ hoa sen trong 2-3 năm. Và vào năm 2016, chàng trai quê Đồng Tháp này đã chính thức bỏ việc về quê bắt tay vào thực hiện ước mơ của mình.

Với kiến thức về dược, anh đã nhờ một số thầy, cô và đồng nghiệp trong ngành dược, bạn bè trong ngành chế biến trà góp ý để sản phẩm của mình hoàn thiện hơn. Sau một thời gian dài nghiên cứu, sản phẩm trà lá sen mang tên Hà Diệp Liên của anh ngày càng được hoàn thiện cả về chất lượng bên trong và mẫu mã bao bì bên ngoài nên tạo được lòng tin cho khách hàng. Sản phẩm trà lá sen cũng đã khẳng định được thương hiệu riêng. Tiếp nối thành công đó, để khai thác hết những giá trị từ cây sen, anh Ngô Khánh Huy còn nghiên cứu, chế biến nhiều sản phẩm khác như: Trà hoa sen, tim sen, thực phẩm chức năng từ sen,…và đến nay dược sỹ 8X này cho ra đời gần 20 sản phẩm chế biến từ cây sen. Hiện tại anh đang nghiên cứu sản phẩm làm từ tơ sen.

Sau gần 4 năm khởi nghiệp với nhiều sản phẩm từ sen, chàng trai này đã góp phần nâng giá trị và tạo đầu ra ổn định cho cây sen Đồng Tháp. Trong các sản phẩm do Ngô Khánh Huy đang làm đã có trà hoa sen và trà lá sen là sản phẩm OCOP. Hiện các sản phẩm làm từ cây sen của anh đã được phân phối gần 40 tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu sang nhiều nước.

Anh Huy chia sẻ: “Mình ao ước sắp tới sẽ tái hiện lại một làng quê Nam Bộ có tất cả những gì của Nam Bộ bao gồm các công cụ ngày xưa, con trâu,… mình sẽ sưu tập lại, mở cửa cho khách du lịch tham quan”.

Sau cuộc trò chuyện với người kết nối – NSƯT Hữu Quốc, nông dân Ngô khánh Huy đã cùng ca sĩ Khánh Ngọc thể hiện ca khúc Vầng Trăng Khóc tại sân khẩu Nông Dân Xin Chào.

Tạm biệt mảnh đất Đồng Tháp, Nông Dân Xin Chào tiếp tục hành trình của mình đến trò chuyện cùng nông dân Trần Anh Nguyên (TPHCM). Anh quan niệm làm việc gì cũng phải đam mê, nhiệt huyết, có tâm với nghề và luôn giữ tín lên hàng đầu bởi  vì liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng. Hiện tại anh đang quản lý trang trại rau 200.000m2, xuất ra thị trường 3 tấn rau sạch đạt chuẩn VietGap mỗi ngày. Anh còn là người sáng lập Công ty rau sạch Hạo Nguyên.

Chia sẻ về quá trình đến với nghề trồng rau sạch, anh Nguyên cho rằng đó như một cái “duyên”. Gia đình anh gốc là làm nông nên từ nhỏ anh đã biết được cuộc sống khổ cực của người nông dân. Chính vì thế khi lớn lên, anh không nghĩ mình sẽ theo nghề nông. Anh kể, lúc nấu ăn cho công ty, mỗi khi thấy các bạn kinh doanh mang hợp đồng ký kết sản phẩm nông sản về được mọi người vui vẻ chào đón. Từ đó anh nảy sinh ý tưởng làm thêm kinh doanh, vừa thử sức mình, vừa có thêm thu nhập. Thế là vừa nấu ăn, anh vừa nhận sản phẩm phân bón của công ty giới thiệu cho các hộ trồng rau gần nhà. Cứ thế, dần dần anh đã lấn sân sang nghề kinh doanh.

Không dừng lại ở việc kinh doanh phân bón, anh lại lấn sân sang nghề trồng rau. Vì trong quá trình tiếp xúc với bà con nông dân sản xuất rau cũng như tiếp xúc với những thương lái, anh nhận thấy có nhiều vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, giai đoạn năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra ở những bếp ăn tập thể. Trăn trở trước những gì đang diễn ra, anh mạnh dạn tận dụng 01 ha đất trống xung quanh nhà để trồng rau sạch, vừa phục vụ những bữa ăn hàng ngày cho công ty vừa đảm bảo an toàn và chất lượng thực phẩm.

Nói về bí quyết thành công, anh Nguyên cho biết: “Làm việc gì cũng phải đam mê, nhiệt huyết, có tâm với nghề và luôn giữ tín lên hàng đầu. Bởi nghề hiện tại của mình liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng nên mình luôn cố gắng đảm bảo chất lượng sản phẩm. Có như vậy thì người tiêu dùng mới tin tưởng và tìm đến mình”.

Sau cuộc trò chuyện cùng người kết nối – NSND Kim Xuân, khán giả được thưởng thức màn song ca của nông dân Trần Anh Nguyên cùng ca sĩ Lâm Hùng với bài hát Anh đã hiểu tình em.

Sóc Trăng sẽ là điểm dừng chân cuối cùng của Nông Dân Xin Chào trong tuần này. Tại đây, khán giả sẽ gặp gỡ khách mời –  nông dân Vũ Bá Quan. Gắn bó với nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và nhiều vùng tại ĐBSCL, 35 năm qua, ông luôn miệt mài nghiên cứu, tìm tòi những giải pháp, kỹ thuật canh tác phù hợp, đáp ứng những chuẩn mực mới trong nông nghiệp phục vụ bà con.

Sau khi ra trường, chú Vũ Bá Quan là một cán bộ kỹ thuật ở trong trại giống vùng sâu, vùng xa chuyên môn sản xuất giống cho bà con. Một thời gian dài sau đó, chú ở trạm bảo vệ thực vật, chính vì vậy có thêm cái nghề bác sĩ cây trồng.

Năm 2012 xuất hiện dịch trên cây bưởi gọi là sâu đục trái bưởi. Vì nó mới nên chưa có kinh nghiệm đối phó dẫn đến thiệt hại, bưởi bị phá rất nhiều. Trăn trở tìm cách hỗ trợ cho bà con, chú Vũ Bá Quan đã đưa ra được biện pháp khắc phục để có những vụ mùa bội thu.

Để giúp cho bà con đỡ vất vả hơn, năng suất cao hơn, chú áp dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp sử dụng các cảm biến để đo độ mặn trực tiếp liên tục nước dưới sông rồi gửi đến bà con nông dân. Nhờ đó bà con biết được khi nào có thể  lấy nước tưới cho cây trồng.

Khi nhắc đến những đứa con của mình, chú Quan tự hào chia sẻ: “Tôi có 3 người con, hiện tại cả 3 đều đang học đại học. Cha con tôi hay nói đùa với nhau cha là bác sĩ cây trồng, đứa con gái lớn là bác sĩ trên người, đứa tiếp theo là bác sĩ chăn nuôi còn anh chàng kia là bác sĩ máy tính”.

Sau cuộc trò chuyện, kỹ sư cây trồng Vũ Bá Quan đã làm một bài thơ nói về nghề nghiệp của mình để dẫn vào bài hát Chiếc áo bà ba qua phần thể hiện của ca sĩ Lưu Ánh Loan.

Trong 3 tập tiếp theo, khán giả sẽ có dịp ghé thăm nông dân Nguyễn Văn Tuệ, Nguyễn Thanh Việt và Bùi Công Đức. Nông dân xin chào do Đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp cùng Truyền thông Khang thực hiện. Chương trình sẽ được phát sóng lúc 7h15 thứ 5 – 6 – 7 hàng tuần trên THVL1. Tập 25 – 26 – 27 phát sóng từ ngày 17/6 đến 19/06.

Theo người Hà Nội

About The Author

Related posts

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *