Bà Lê Hồng Thủy Tiên – Tổng Giám đốc Tập đoàn IPPG cho rằng, lúc này chính là thời điểm “ngàn năm có một” để Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, nếu chậm sẽ tụt hậu, khó cạnh tranh quốc tế.
Sáng 25/2, UBND TP HCM đã tổ chức hội thảo “Đề án phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế”. Hội thảo đã thu hút sự tham dự của hơn 200 chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp và bộ ngành liên quan. Đặc biệt là sự hiện diện của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng. Bà nhận định, thành phố có lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện chính trị, xã hội ổn định và sự năng động kinh tế đã và đang là một đầu tàu chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam. Đây được xem là chiến lược đột phá để phát triển kinh tế TPHCM sau đại dịch. Đồng thời, đề án này đã được nhiều thế hệ lãnh đạo TPHCM ấp ủ hơn 20 năm qua.
Tại hội thảo, bà Lê Hồng Thủy Tiên – Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, tập đoàn vừa qua đã ký kết với UBND TP HCM xây dựng đề án trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM. Theo bà, đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế mà tập đoàn đề xuất do Công ty Tư vấn Tài chính Sherman, các công ty tư vấn trong nước, đặc biệt có sự tham gia ý kiến của các nhà đầu tư, công ty tài chính của Mỹ trong top Fortune 500 (danh sách 500 công ty lớn nhất nước Mỹ). Đề án được phát triển theo mô hình trung tâm tài chính mới, đúng nghĩa về tài chính và các dịch vụ tài chính bao gồm ngân hàng, ngoại hối, chứng khoán, môi giới, bảo hiểm…
“Cùng Với việc thành lập trung tâm tài chính đúng nghĩa chúng tôi mong muốn cho phép nhà đầu tư chiến lược được phát triển các dịch vụ bổ trợ khác (được quy hoạch khu vực riêng biệt) như du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, khu phi thuế quan, công viên giải trí, khách sạn, nhà hát, casino… để tạo sức hấp dẫn nhằm thu hút các định chế tài chính hàng đầu thế giới và các nhà đầu tư, qua đó gia tăng khả năng cạnh với các trung tâm tài chính quốc tế, khu vực”, bà Thuỷ Tiên cho biết.
Cũng theo CEO IPPG ,hiện nay xu hướng thành lập các trung tâm tài chính với các điều kiện ưu đãi thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư lớn và cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và thế giới vẫn diễn ra mạnh mẽ như Singapore, Thượng Hải, Tokyo và Bắc Kinh.
“Và mới đây, Trung Quốc đã thông qua một đạo luật nhằm đưa tỉnh Hải Nam trở thành trung tâm tài chính quốc tế ngoài việc là một cảng thương mại tự do, theo đó các dịch vụ tài chính sẽ được khuyến khích thông qua cải cách lập pháp, tự do hóa và thuận lợi hóa dòng vốn và đầu tư, tăng cường thương mại xuyên biên giới và cho phép các tổ chức tài chính tiến hành các dịch vụ tài chính nước ngoài (offshore financial centers)
Lãnh đạo Tập đoàn IPPG bày tỏ mong muốn : “nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược dài hạn, trung tâm tài chính cần hướng đến việc tái định vị Việt Nam như một cửa ngõ cho các nhà đầu tư toàn cầu trong thị trường khu vực ASEAN và cạnh tranh được với Singapore và Hồng Kông.
“Điều này đòi hỏi chúng ta phải có các yếu tố cạnh tranh khác biệt cũng như thiết lập được một khuôn khổ pháp lý cho phép trung tâm tài chính có câu trả lời rõ ràng với các nhà đầu tư quốc tế là “tại sao lại lựa chọn Việt Nam để đầu tư, vì sao phải đưa dòng tiền vào Việt Nam”, bà Tiên phân tích.
Theo lộ trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế mà Tập đoàn IPPG đưa ra sẽ có tính khả thi nếu thỏa được hai yếu tố tiên quyết:
Thứ nhất, Việt Nam có quyết tâm mở trung tâm tài chính quốc tế hay không.
Thứ hai, vai trò của nhà đầu tư chiến lược, cần phải thu hút được nhà đầu tư chiến lược có năng lực tài chính, có danh tiếng, uy tín, tầm ảnh hưởng quốc tế để làm “đại bàng đầu đàn”, có thể thu hút được các định chế tài chính hàng đầu, đến trung tâm tài chính Việt Nam, tăng cường các hoạt động, giao dịch tài chính…
“Các nhà đầu tư chiến lược uy tín thế giới đủ tiêu chuẩn, là đối tác của Tập đoàn IPPG đã chờ đợi từ 2016 đến nay, nên nếu chậm thì Việt Nam sẽ mất cơ hội tuyệt vời đẩy nhanh quá trình trở thành nước phát triển năm 2045 như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra”, bà Thuỷ Tiên nhấn mạnh.
Đại diện Tập đoàn IPPG cũng cho rằng, trước sự dịch chuyển của các định chế tài chính trong khu vực, các nước Đông Nam Á cũng đang quyết liệt chạy đua mời gọi. “Do đó, để Việt Nam có thể chớp lấy cơ hội “ngàn năm có một” thì chính sách của chúng ta cần phải có sự đột phá và có nhiều điểm vượt trội hơn so với khung pháp lý hiện hành. Nếu làm đề án có tính an toàn thì Việt Nam sẽ rơi vào vị thế tụt hậu khó cạnh tranh quốc tế. Vì vậy rất cần sự vào cuộc quyết liệt và sự ủng hộ của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các chuyên gia, ban, bộ, ngành, Trung ương”
Theo người Hà Nội