Với hiệu ứng tích cực, thu về hàng triệu lượt nghe, Mỹ Ngọc tiếp tục cho ra mắt ký sự cùng tên lấy đi nước mắt của nhiều người xem.
Sau khi ca khúc “Tết lặng” được nhiều người đón nhận, thay vì ra MV, Mỹ Ngọc quyết định ra mắt ký sự cùng tên để nói về nỗi niềm của những người con tha phương ngày Tết.
Cách đây không vào những ngày đầu tiên của năm 2020, Quán quân Duyên dáng Bolero Trần Mỹ Ngọc đã ra mắt ca khúc “Tết lặng” do Lê Tùng Lâm sáng tác. Chưa đầy 24 giờ lên sóng, ca khúc đã lọt top đầu những bài hát được nghe nhiều nhất và hiện đã đạt hàng triệu lượt nghe trên kênh âm nhạc trực tuyến. Với ca từ gần gũi, giai điệu nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người, ca khúc tạo hiệu ứng khá tốt, đồng thời cũng lấy đi nước mắt của không ít người nghe.
Với “Tết lặng”, Mỹ Ngọc tiết lộ tác giả đã viết trên chính cảm xúc trong lần đón Tết xa quê và chạm đến trái tim của Mỹ Ngọc. “Nhìn thời khắc của năm mới đến trong khi chúng ta háo hứng để về bên ba mẹ, gia đình thì nhiều người xa quê không có khả năng để trở về, họ đón Tết trong lặng lẽ, cô đơn và tủi thân.
Ra xã hội, tiếp xúc với nhiều mảnh đời, Mỹ Ngọc mới hiểu được tâm trạng của những người con phải đón Tết xa nhà, xa những người thân yêu trong gia đình. ‘Tết lặng’ là một bài hát rất tâm đắc của Ngọc lần này dành cho những ai đang thiếu vắng bóng hình của cha mẹ, người thân trong dịp Xuân về”.
Có thể thấy Mỹ Ngọc Không lựa chọn xu hướng âm nhạc theo số đông mà tiếp tục chọn cho mình dòng nhạc trữ tình sâu lắng, có điểm riêng. Giống như ca từ của bài hát, dù nói về mùa Xuân nhưng nội dung lại chất chứa tâm trạng của những người “Tha phương cầu thực” ngày Tết đến Xuân về.
Với Mỹ Ngọc ký sự “Tết lặng” như một nốt trầm trong bản giao hưởng vui ngày Tết để qua đó giúp chúng ta nhận gia giá trị thực của cuộc sống. Nó không đâu xa xôi, mà rất gần gũi từ những điều nhỏ nhoi, bình dị nhất mà đôi khi chúng ta vô tình lãng quên. Qua đó góp phần truyền tải thông điệp “Tết của những người con xa quê, đơn giản chỉ là được trở về”.
Qua ký sự “Tết lặng” cũng như ca từ lời bài hát, chúng ta sẽ thấy những cái dung dị nhất, bình dị nhất của ngày Tết cổ truyền. “Tết lặng” như một nốt nhạc trầm trong bản nhạc xuân, một khoảng lặng trong thời khắc giao mùa, để qua đó chúng ta biết trân quý những phút giây bên gia đình và những người thân yêu. Một cái Tết đong đầy không phải là cái Tết được đo đếm bởi con số tiền bạc, mà là cái Tết có những người thân bên cạnh, có một nơi để ta tìm về, để được đoàn viên, sum vầy.
Thật vậy, có nhiều thứ tưởng chừng đơn giản của người này nhưng là điều ước không thể thực hiện được của rất rất nhiều người khác. Nên chúng ta hãy trân trọng và nâng niu những thứ ta đang có…kẻo trong tương lai 1 điều ước ta cho là đơn giản như bữa cơm gia đình cũng không thể thực hiện được. Hãy bên gia đình trong những ngày Tết khi đang còn có thể. Ký sự “Tết lặng” đã nói lên nỗi lòng của bao người con xa xứ, đi kèm là một thông điệp ý nghĩa, đầy tính nhân văn.
Năm 2019 là một năm khá đặc biệt với Mỹ Ngọc vì đánh dấu chặng đường thành công của cô sau khi đoạt danh hiệu quán quân Duyên dáng Bolero. Mỹ nhân gốc Đà Lạt gây dấu ấn khi có nhiều sản phẩm âm nhạc chất lượng, ý nghĩa nhờ cái tâm nỗ lực với nghề.
Là một người của công chúng, được khán giả yêu mến cũng đồng nghĩa với việc Mỹ Ngọc nhận được không ít lời mời biểu diễn, đặc biệt dịp cận Tết. Tuy vậy, ca sĩ trẻ vẫn cố gắng sắp xếp để về Đà Lạt mua sắm, trang hoàng nhà cửa cùng gia đình từ sớm. Cô không muốn bỏ lỡ dịp lễ mà bản thân đã “háo hức mong chờ” suốt cả năm này.
Là người duy nhất trong số 11 anh chị em chưa kết hôn, Mỹ Ngọc xem gia đình lớn là “tài sản quý giá nhất” của mình, “dù vui hay buồn đều muốn trở về nhà đầu tiên”. Dịp Tết, ngoài những việc trang trí nhà cửa, nữ ca sĩ gốc Đà Lạt còn đặc biệt thích cùng mọi người quây quần bên mâm cơm tất niên, mùng 1.
Trong hồi ức của cô ca sĩ xinh đẹp, Tết ngày xưa dù không được ở trong ngôi nhà đẹp như bây giờ, đồ ăn cũng ít hơn nhưng lại vô cùng náo nhiệt. “Thời đó, ăn một cái bánh, miếng thịt còn thấy ngon, chứ giờ nhiều đâm ra ngán. Lúc đó chỉ có dưa hấu tròn chứ không phải dưa hấu dài như bây giờ, ăn một miếng mà thèm cả năm. 3-4 người ngủ chung một phòng, sau khi cùng xem đốt pháo thì 11 anh em tập trung để được ba má lì xì. Lên giường nằm mà chẳng ngủ nổi vì háo hức hôm sau được mặc đồ mới”. Đó là những điều mà Mỹ Ngọc Bolero nói rằng sẽ chẳng bao giờ phai nhạt trong tâm trí của cô khi nhắc đến ngày đầu xuân, năm mới.
Theo người Hà Nội