Gần 2000 khán giả, dù thời tiết Hà Nội lạnh xuống 14 độ C, mưa bay lất phất, nhưng vẫn ngồi chăm chú xem đến hết vở múa ballet Hồ Thiên Nga, vỗ tay không ngừng, tạo nên một nhà hát ngoài trời thành công ngoài mong đợi. Cảm xúc vỡ oà giữa những vũ công, dàn nhạc và khán giả cũng như những người thực hiện chương trình.
Rất nhiều khán giả tại sân khấu ngoài trời hồ Thiên Nga Ecopark lần đầu tiên xem vở diễn kinh điển Hồ Thiên Nga này, nhưng cũng rất nhiều khán giả đã xem rất nhiều lần tại sân khấu nhà hát, cũng lái xe cả chục cây số để đến thưởng thức, để trải nghiệm với một không gian ngoài trời, các vũ công sẽ múa ra sao, dàn nhạc giao hưởng sẽ chơi thế nào…
Ngay từ buổi chiều, thời tiết báo sẽ lạnh và mưa, nhiệt độ ngày càng xuống thấp, cả ekip lo lắng, chỉ cầu cho “mưa thuận gió hoà”, đoàn ballet của Nhà hát Nhac Vũ Kịch Việt Nam cứ miệt mài tập, biên đạo Trần Ly Ly chỉ đạo với giọng trầm khàn, thi thoảng có hạt mưa rơi, mọi người tìm chỗ trú ẩn, nhưng riêng những diễn viên, nhạc công thì vẫn miệt mài say mê tập.
Cái khó nhất đối với các vũ công Ballet nữ chính là việc đứng trên giày mũi cứng và múa với những kỹ thuật đòi hỏi độ khó cao. Còn đối với các nghệ sĩ nam là những động tác nhảy, quay và nâng đỡ bạn diễn. Để làm được điều đó, các vũ công Ballet cần đạt đến độ tinh xảo về kỹ thuật và tinh tế về cảm xúc. Nhưng không chỉ có vậy! Một tác phẩm Ballet thành công cần có sự kết hợp của cả tập thể và dàn nhạc giao hưởng mới tạo thành tuyệt phẩm trên sân khấu như Kẹp hạt dẻ, Người đẹp ngủ trong rừng, Romeo và Juliet,… và đặc biệt nhất là Hồ Thiên Nga (Swan Lake).
Đúng 19h vở diễn bắt đầu, gió thổi lớn hơn, trời quang mây tạnh, những cột khói từ sân khấu phun ra được gió hất lên trời rồi hạ xuống và loang ra cả sân khấu lẫn khán giả, khiến một không gian huyền ảo, như mơ như thực. Từng bước chân, tung tay của diễn viên giống như cả đàn thiên nga trắng muốt dưới hồ Thiên Nga Ecopark nhẩy lên sân khấu và múa. Âm nhạc lại không thể chê được, bởi dàn nhạc xuất thần vô cùng hào hứng, có thể chính vì gió thổi lạnh, không gian vô cùng lãng mạn cũng khiến người nghệ sĩ chơi đàn thăng hoa hơn. Mỗi chương biểu diễn xong đều được khán giả vỗ tay tán thưởng. Thậm chí, khi vở diễn kết thúc, tất cả khán giả vẫn đứng lại vỗ tay, hô vang tên vở diễn, dường như cả diễn viên, nhạc công cùng khán giả đã tìm được cảm xúc chung, giao hoà giữa đất trời thiên nhiên lạnh giá.
Được mệnh danh là “Ballet của những vở Ballet”, Hồ Thiên Nga là tác phẩm Ballet đầu tay của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Nga, Tchaikovsky. Ra đời năm 1877, nhưng cho đến nay, tác phẩm vẫn là niềm say mê của những ai yêu thích môn nghệ thuật này. Cho dù có nhiều trường phái dàn dựng khác nhau, nhưng quan trọng nhất là nó vẫn diễn tả được những tâm tư cháy bỏng trong mỗi con người: tình yêu thánh thiện, ước mơ cao cả, nỗi thất vọng và sự cám dỗ của đời thường.
Hồ Thiên Nga kể một câu chuyện tình bất diệt của hoàng tử Siegfried và công chúa Odette. Vì phép thuật của phù thủy Rothbart, ban ngày Odette bị biến thành thiên nga, bơi lội trên hồ nước mắt và chỉ trở lại hình dạng con người vào ban đêm. Ma thuật của lão phù thủy chỉ biến mất nếu nàng Odette gặp được một người hết lòng yêu thương và chung thủy với nàng. Tình yêu mật ngọt của Siegfried và Odette đã trải qua nhiều bi kịch, thử thách bởi tà thuật, trong đó có sự góp mặt của Odile – con gái của phù thủy Rothbart. Nhưng sau những dối trá, lẫn lộn và tha thứ, hoàng tử Siegfried và công chúa Odette cũng có một kết thúc hạnh phúc.
Tại Việt Nam, năm 1985 đánh dấu cột mốc lần đầu tiên của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) khi trình diễn một cách đầy đủ vở Hồ Thiên Nga dưới sự dàn dựng của chuyên gia Nga. 35 năm trôi qua, Ballet Việt chưa có cơ hội trình diễn toàn bộ vở diễn này do điều kiện về kinh tế, nguồn nhân lực và nhiều yếu tố khác. Và giờ đây, với nỗ lực và quyết tâm của Ban lãnh đạo và tập thể VNOB giấc mơ về một Hồ Thiên Nga “made in Vietnam” đã biến thành sự thật! Đó cũng là lý do vì sao vở diễn Hồ Thiên Nga được bầu chọn là một trong 10 sự kiện văn hoá năm 2019.
Theo người Hà Nội